Điểm sáng là Việt Nam đã giành thêm thị phần tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Mỹ đã tăng từ mức 7,2% về khối lượng xuất khẩu và 11,7% về giá trị xuất khẩu trong năm 2018 lên tương ứng 7,8% và 11,8% trong 8T2019.
…tuy nhiên khó khăn lại nhiều hơn lợi ích. Cả số lượng và quy mô các đơn hàng đều sụt giảm do những lo ngại của khách hàng về bất ổn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giá trị xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 24,6 tỷ USD trong 9T2019, tăng 9,6% yoy (thấp hơn mức tăng trưởng 16,5% yoy trong 9T2018). Hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm nay. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 8,7% yoy trong 9T2019 (so với 11,8% yoy trong 9T2018). Các thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng giảm tốc với mức tăng trưởng chỉ còn 4,2% và 4,6% yoy trong 9T2019 (so với 11,4% và 24,2% yoy trong 9T2018).
Các doanh nghiệp dệt may niêm yết ghi nhận kết quả kém khả quan trong 9T2019. Tổng doanh thu 9T2019 của các doanh nghiệp dệt may niêm yết giảm 1,6% yoy, trong khi lợi nhuận ròng giảm 13,8% yoy. Hơn một nửa các doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn theo quan sát của chúng tôi có mức tăng trưởng âm trong 9T2019 do (1) số lượng và quy mô các đơn đặt hàng giảm xuống do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; và (2) biên lợi nhuận gộp (LNG) giảm vì giá bán trung bình thấp hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.
Trong 9T2019, chỉ có một vài doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn trong quan sát của chúng tôi (ví dụ như STK, MSH, PPH, EVE) có biên LNG tăng nhờ vào sự cải thiện cơ cấu sản phẩm trong bối cảnh giảm sút của ngành, trong khi đó các doanh nghiệp khác lại ghi nhận biên LNG sụt giảm.
Chúng tôi duy trì quan điểm Trung tính đối với triển vọng ngành Dệt may Việt Nam trong ngắn hạn. Giá cổ phiếu của ngành Dệt may trong 7T2019 đã tăng tốt hơn so với thị trường chung nhờ vào kỳ vọng tích cực về việc EVFTA được thông qua, tuy nhiên sau đó giá cổ phiếu đã giảm sâu so với diễn biến của VN-Index do KQKD kém khả quan. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng tôi có quan điểm Tích cực đối với ngành nhờ vào lợi ích đáng kể từ các FTA, đặc biệt là khi Việt Nam giải quyết các nút thắt của khâu sản xuất vải trong chuỗi giá trị ngành.
XUẤT NHẬP KHẨU DỆT MAY CỦA VIỆT NAM GIẢM TỐC TRONG 9T2019
Ngành Dệt may của Trung Quốc chìm sâu trong khó khăn do chiến tranh thương mại kéo dài. Cụ thể, giá trị xuất khẩu dệt may của Trung Quốc tăng 7,9% yoy lên mức 119,3 tỷ USD vào năm 2018, một phần do các doanh nghiệp Trung Quốc chạy đua với thời gian để xuất khẩu sang Mỹ trước khi bắt đầu bị tăng thuế vào tháng 7/2018. Tuy nhiên khi những nỗ lực này kết thúc, hậu quả từ chiến tranh thương mại đã trở nên rõ ràng hơn. Trong 10T2019, xuất khẩu dệt may của nước này chỉ tăng 0,3% yoy lên 99,3 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Mỹ giảm 3,2% yoy từ 29,90 tỷ USD trong 9T2018 xuống còn 28,95 tỷ USD trong 9T2019.
Các đơn đặt hàng từ Mỹ giảm mạnh gây áp lực lên giá nguyên liệu cần thiết cho sản xuất dệt may, đặc biệt là sợi. Trung Quốc đã trả 2.394 USD/tấn nguyên liệu nhập khẩu vào tháng 10/2019, thấp hơn mức 2.606 USD/tấn vào tháng 12/2018, giảm 8% so với đầu năm. Điều này khiến giá trị hàng tồn kho sợi của Trung Quốc giảm xuống, dẫn đến nhiều nhà sản xuất sợi phải đóng cửa.
Xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam giảm tốc trong 9T2019. Cụ thể, xuất khẩu dệt may của cả nước trong 9T2019 tăng 9,6% yoy lên 24,6 tỷ USD, thấp hơn mức tăng trưởng 16,5% trong 9T2018. Xuất khẩu xơ sợi đóng góp 3,1 tỷ USD trong 9T2019, chỉ tăng 3,1% yoy (so với 13,9% trong 9T2018). Động lực tăng trưởng đang chậm lại do sự thiếu hụt của các đơn hàng. Người mua đang lo ngại về diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khiến số lượng và quy mô của các đơn hàng đều giảm xuống. Nhập khẩu vải chỉ tăng 3,3% yoy và nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 2,8% yoy trong 9T2019 cho thấy sản xuất sụt giảm của các doanh nghiệp trong nước.
Sự ổn định của tiền đồng so với USD từ đầu năm đến nay làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. VND đã đi ngang kể từ đầu năm 2019 (+0,1% so với đầu năm tính tại ngày 13/11/2019), trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ (như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan) mất giá mạnh hơn trong 9T2019. Vì vậy, sự mạnh lên của tiền đồng so với các quốc gia đối thủ cũng khiến xuất khẩu của Việt Nam phần nào gặp bất lợi.
Tăng trưởng xuất khẩu cả nước sụt giảm do sự giảm tốc ở các thị trường xuất khẩu chính. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 8,7% yoy trong 9T2019 (so với 11,8% trong 9T2018). Các thị trường EU và Nhật Bản cũng ghi nhận tăng trưởng chậm lại từ 11,4% và 24,2% yoy trong 9T2018 xuống chỉ còn 4,2% và 4,6% yoy trong 9T2019.
Trong 9T2019, Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu của xuất khẩu dệt may Việt Nam, với giá trị xuất khẩu là 11,21 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng giá trị xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam; tiếp theo là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu lần lượt là 2,91 tỷ USD (chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu dệt may), 3,22 tỷ USD (11,8%), 2,6 tỷ USD (10,6%) và 1,18 tỷ USD (4,8%).
Ngành dệt may Việt Nam vẫn khẳng định chỗ đứng trên các thị trường chính. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Mỹ đã tăng lên 7,8% theo sản lượng và 11,8% theo giá trị trong 8T2019, từ mức 7,2% và 11,7% trong năm 2018. Trong khi đó, thị phần tại Nhật Bản và Châu Âu vẫn tương đối ổn định, lần lượt đạt 12,6% và 3,2% về giá trị xuất khẩu.
CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY GẶP KHÓ KHĂN TRONG BỐI CẢNH CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Mặc dù có sự phân hóa giữa KQKD của các doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung đã ghi nhận kết quả kém khả quan về cả doanh thu và lợi nhuận trong 9T2019. Kết quả kinh doanh 9T2019 mới nhất được công bố bởi các doanh nghiệp dệt may niêm yết cho thấy tổng doanh thu toàn ngành giảm 1,6% yoy và lợi nhuận sau thuế giảm 13,8% yoy. Hơn một nửa các doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn trong quan sát của chúng tôi có mức tăng trưởng âm trong 9T2019 do (1) số lượng và quy mô các đơn hàng giảm xuống do căng thẳng thương mại MỹTrung; và (2) biên LNG giảm do giá bán trung bình thấp hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.
Việc đáp ứng Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (từ sợi trở đi) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) (từ vải trở đi) vẫn còn là một thách thức do nút thắt trong khâu sản xuất vải. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu vải từ Trung Quốc (chiếm 58% tổng giá trị nhập khẩu dệt may). Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), để hưởng lợi từ các FTA, Việt Nam cần bổ sung 1,7 tỷ mét vải để sản xuất trong năm nay và năm 2020. Nếu không tìm nguồn cung từ nhập khẩu, Việt Nam cần đầu tư 1,7 tỷ USD cho sản xuất vải. Đến năm 2025, cả nước cần thêm 10 tỷ mét vải, tương đương với khoản đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
TRIỂN VỌNG NGÀNH DỆT MAY VÀ LỰA CHỌN CỔ PHIẾU
Chúng tôi có quan điểm Trung tính trong ngắn hạn đối với triển vọng của ngành Dệt may Việt Nam do những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng tôi vẫn đánh giá Tích cực đối với ngành nhờ vào lợi ích đáng kể từ các FTA. Các điểm đến xuất khẩu đa dạng có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đảm bảo triển vọng tươi sáng cho ngành Dệt may, đặc biệt là khi Việt Nam giải quyết được nút thắt trong chuỗi giá trị. Giá sợi tại Trung Quốc có thể sẽ phục hồi sau khi giảm xuống mức đáy 3 năm khi Trung Quốc và Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu về việc tiến tới đàm phán lại về việc loại bỏ thuế quan. Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu của ngành Dệt may sẽ đi ngang cho đến khi có thông tin tích cực hơn về thương mại quốc tế.